Mẫu hợp đồng thi công nội thất CHI TIẾT, MỚI NHẤT [2021]

Khi tiến hành thi công nội thất, bên cạnh lựa chọn được đơn uy uy tín, chất lượng thì bạn cần biết cách lên hợp đồng đầy đủ, chuẩn xác. Nhằm đảm bảo quá trình ký kết, đảm bảo được đầy đủ và không bị bỏ sót các nội dung quan trọng, trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin gửi đến quý khách hàng mẫu hợp đồng thi công nội thất chuẩn xác nhất.

Vai trò của bản hợp đồng thi công nội thất

hợp đồng thi công nội thất

Dù là thi công công trình nhỏ hay lớn thì hợp đồng ký kết là điều quan trọng và cần thiết. Dưới đây là vai trò cũng như nội dung cần có trong bản hợp đồng thi công nội thất:

  • Nghĩa vụ của bên thực hiện thi công dự án
  • Quyền lợi của bên khách hàng và chủ thầu
  • Các yêu cầu và thỏa thuận giữa hai bên
  • Chi tiết thời gian khởi công, thời gian hoàn thành cũng như các giai đoạn nhỏ thực hiện

Tóm tắt nội dung chính có trong bản hợp đồng thi công nội thất

Nguyên tắc xây dựng hợp đồng là dựa trên sự tự nguyện và đồng ý của khách hàng và chủ thầu. Sau khi cả hai bên đi đến thống nhất thông tin cũng như các điều khoản và tiến hành ký kết thì hợp đồng đó mới có giá trị và hiệu lực.

Tuy nhiên, trong hợp đồng thi công nội thất bắt buộc phải có các nội dung sau:

  1. Thông tin của bên đại diện về mặt pháp lý tiếp nhận hợp đồng
  2. Thông tin của 2 bên giao dịch: khách hàng và chủ thầu (thông tin cần chính xác)
  3. Một số tư liệu đi kèm của đôi bên: số chứng minh nhân dân, địa chỉ, …
  4. Nêu rõ những nguyên vật liệu sẽ dùng trong công trình cụ thể: màu sắc, chất liệu, …
  5. Báo giá chi tiết từng khoản cụ thể.
  6. Những khoản mục bên thầu cần mua hay yêu cầu khách hàng cung cấp thì phải ghi rõ trong hợp đồng
  7. Các hình thức thanh toán hợp đồng
  8. Thời gian bắt đầu thi công, tiến độ và thời gian hoàn thành 100% dự án bao lâu? Nếu chậm trễ thời gian thì bên chủ thầu phải đền bù ra sao?
  9. Những giấy tờ và thủ tục cấp phép cần có
  10. Những giải quyết và tranh chấp (nếu có về sau) sẽ thực hiện theo mục nào ghi trên hợp đồng
  11. Những khoản bồi thường, hay chi phí có thể phát sinh trong quá trình thực hiện
  12. Phần phụ lục đi kèm, chữ ký và mộc đóng dấu của 2 bên.

Mẫu hợp đồng thi công nội thất

Dưới đây là mẫu hợp đồng thi công nội thất mà bạn có thể tham khảo:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

HỢP ĐỒNG THI CÔNG NỘI THẤT

  • Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 24/11/2015 có hiệu lực ngày 01/01/2017.
  • Căn cứ Luật thương mại năm 2005 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14/6/2005 có hiệu lực ngày 01/01/2006.
  • Căn cứ vào nhu cầu và năng lực của hai bên.

Hôm nay, ngày … tháng … năm … tại … , chúng tôi ký tên dưới đây gồm có:

Bên A: Chủ đầu tư (hoặc đại diện của Chủ đầu tư)

Họ và tên: … Năm sinh: …

CMND số:… cấp ngày:…/…/…tại …

Địa chỉ: …

Điện thoại: …

Bên B: Đơn vị thi công nội thất

Tên tổ chức:…

MST: …

Đại diện: Ông/bà … Chức vụ : …

Địa chỉ trụ sở: …

Điện thoại: …

Hai bên thống nhất ký kết hợp đồng thi công nội thất tại công trình:

Địa chỉ: …

Loại công trình:…

Điều 1. Nội dung và khối lượng công việc cần đề cập trong mẫu hợp đồng thi công

  1. Bên A giao cho Bên B thầu thi công toàn bộ sản phẩm nội thất theo đúng bản vẽ kiến trúc, nội thất đã được hai bên thống nhất và ký xác nhận kèm theo hợp đồng này.
  2. Bên B sử dụng toàn bộ vật tư, chất liệu, mã số màu theo đúng thông số kỹ thuật, chủng loại, số lượng thể hiện trong phụ lục đã được hai bên thống nhất và ký xác nhận kèm theo hợp đồng này.

Điều 2. Thời hạn thi công

2.1. Thời hạn thi công là … ngày, tính từ:

Ngày…Tháng…Năm…

Ngày…Tháng…Năm… Bàn giao.

2.2. Gia hạn thời gian hoàn thành

Bên B được phép gia hạn thời gian hoàn thành nếu có một trong những lý do sau đây:

  1. Có sự thay đổi phạm vi công việc, thiết kế, biện pháp thi công theo yêu cầu của Chủ đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng.
  2. Sự chậm trễ, trở ngại trên công trường do Chủ đầu tư, nhân lực của Chủ đầu tư hay các nhà thầu khác của Chủ đầu tư gây ra.
  3. Do ảnh hưởng của các trường hợp bất khả kháng như: động đất, bão, lũ, lụt, lốc, sóng thần, lỡ đất, hoạt động núi lửa, chiến tranh, dịch bệnh.

Điều 3. Giá trị hợp đồng thi công

Tổng giá trị hợp đồng: …VNĐ

Viết bằng chữ: …đồng

Đơn giá chưa bao gồm thuế VAT

Điều 4. Cách thức thanh toán hợp đồng thi công nội thất theo từng giai đoạn (tiền mặt hoặc chuyển khoản)

Khi hợp đồng được ký kết, để đảm bảo vốn sản xuất, Bên A ứng trước cho Bên B …% kinh phí trên tổng giá trị hợp đồng

Số tiền: …VND

Sau khi Bên B thi công 70% khối lượng công việc, Bên A thanh toán tiếp …% tiền trên tổng giá trị hợp đồng

Số tiền: …VND

Bên A thanh toán …% còn lại sau khi nghiệm thu và bàn giao toàn bộ đồ nội thất

Số tiền: …VND

Điều 5. Trách nhiệm Bên A

  1. Chọn người giám sát có chuyên môn và thông báo bằng văn bản cho Nhà thầu về nhân lực chính sẽ theo dõi số lượng và chất lượng sản phẩm trong suốt thời gian sản xuất.
  2. Tổ chức cho bộ phận thi công của Bên B được tạm trú tại địa phương.
  3. Chuẩn bị đầy đủ kinh phí và thanh toán đúng thời hạn cho Bên B. Nếu chậm thanh toán, Bên B được tính lãi suất Ngân hàng trên số tiền Bên A nợ.

Điều 6. Trách nhiệm Bên B

  1. Sản xuất và thi công nội thất đúng với nội dung và khối lượng công việc quy định tại Điều 1.
  2. Hoàn thành các hạng mục công trình đúng thời hạn hợp đồng, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ. Bên B có lỗi chậm hoàn thành công trình sẽ bị phạt 2% mỗi tuần giá trị của khối lượng bị kéo dài (trừ trường hợp do lỗi Bên A gây ra, những ngày thiên tai, mưa bão hoặc trường hợp bất khả kháng không thể thi công được).
  3. Chịu toàn bộ chi phí và lệ phí cho các quyền về đường đi lại mà nhà thầu cần có, bao gồm lối vào công trình.

Điều 7. Tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng

7.1. Tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng bởi Bên A (Chủ đầu tư)

Chủ đầu tư được quyền tạm ngưng hoặc chấm dứt hợp đồng nếu Bên B:

  1. Không thực hiện công việc đúng tiến độ mà không phải do lỗi của Chủ đầu tư.
  2. Giao thầu phụ toàn bộ dự án hoặc chuyển nhượng hợp đồng mà không có sự thỏa thuận của Chủ đầu tư.
  3. Bị phá sản, vỡ nợ, bị đóng cửa, bị quản lý tài sản.

7.2. Tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng bởi Bên B (Đơn vị thi công)

Bên B được quyền tạm ngưng hoặc chấm dứt hợp đồng nếu Chủ đầu tư:

  1. Không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng này.
  2. Yêu cầu tạm ngừng thi công bị kéo dài quá 45 ngày.
  3. Bị phá sản, vỡ nợ, bị đóng cửa, bị quản lý tài sản.
  4. Vi phạm luật Dân Sự, Thương Mại, luật Xây Dựng hiện hành hoặc yêu cầu trái với thuần phong mỹ tục mà Nhà nước không cho phép.

7.3. Thanh toán sau khi chấm dứt hợp đồng

  1. Ngay khi thông báo chấm dứt hợp đồng có hiệu lực, Chủ đầu tư xem xét đồng ý hoặc xác định giá trị của công trình, vật tư, vật liệu, tài liệu của Bên B và các khoản tiền phải thanh toán cho Bên B cho các công việc đã thực hiện đúng theo Hợp đồng.
  2. Chủ đầu tư có quyền thu lại các phí tổn do hư hỏng, mất mát mà Chủ đầu tư phải chịu sau khi tính đến bất kỳ một khoản nợ nào đối với Bên B.

Điều 8. Bảo hành dự án thị công nội thất

Sau khi nhận được biên bản nghiệm thu công trình, hạng mục công trình để đưa vào sử dụng, Bên B phải:

  1. Thực hiện bảo hành công trình trong thời gian 12 tháng.
  2. Trong thời gian bảo hành công trình, Bên B phải sửa chữa mọi sai sót, khiếm khuyết do lỗi thi công nội thất bằng chi phí của Bên B. Việc sửa chữa các lỗi này phải được bắt đầu trong vòng không quá 7 ngày sau khi nhận được thông báo của Chủ đầu tư về các lỗi.

Điều 9. Điều khoản chung của mẫu hợp đồng thi công nội thất

  1. Màu sắc trong bản vẽ gần với màu thực tế khi thi công trong mức kỹ thuật in hiện đại cho phép.
  2. Hàng đã đặt thi công không được phép trả lại.
  3. Công trình chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi hai bên cùng ký vào biên bản nghiệm thu.
  4. Hợp đồng này có giá trị từ ngày ký đến ngày thanh lý hợp đồng.
  5. Hai bên cam kết thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng, bên nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo đúng qui định của pháp luật về hợp đồng kinh tế.
  6. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh tăng hoặc giảm thì hai bên chủ động thương lượng giải quyết, khi cần sẽ lập phụ lục hợp đồng hoặc biên bản bổ sung hợp đồng.
  7. Hợp đồng này được lập thành 02 (hai) bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 01 (một) bản.

           ĐẠI DIỆN BÊN A                                                   ĐẠI DIỆN BÊN B

Các lưu ý khi ký kết hợp đồng thi công nội thất

lưu ý khi hợp đồng thi công nội thất

Khi ký kết hợp đồng thi công nội thất, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Chuẩn bị kỹ các giấy tờ pháp lý liên quan đến ngôi nhà như: giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản vẽ thi công,….
  • Đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Nếu có bất cứ thắc mắc hay cần bổ sung thì cần đưa ý kiến ngay để sửa đổi
  • Kiểm tra lại bản thiết kế sơ bộ
  • Cần ký nháy vào từng trang của hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho mình

Trên đây là một số thông tin cơ bản về hợp đồng thi công nội thất. Hi vọng thông qua bài viết của chúng tôi sẽ giúp bạn cẩn thận và chi tiết hơn trong việc lên hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo